star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO NGÀNH VIỆT NAM HỌC - CHUYÊN NGÀNH VĂN HÓA DU LỊCH (BẬC CỬ NHÂN)


1. Tổng quan ngành

Ngành Việt Nam học mang đến cho người học một bức tranh toàn diện về đất nước Việt Nam với những giá trị đặc trưng về văn hóa, lịch sử và con người. Đây là ngành học có tính nhân văn sâu sắc, giúp người học thấu hiểu các giá trị cốt lõi và bản sắc văn hóa của cộng đồng và quốc gia, từ đó hình thành thái độ trân trọng, yêu quý và mong muốn gìn giữ, phát huy di sản văn hóa Việt.

Sự đa dạng về cảnh quan, văn hóa và con người khiến Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu châu Á. Vì thế, theo học ngành Việt Nam học không chỉ là quá trình tiếp cận tri thức mà còn là một hành trình trải nghiệm, khám phá những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử – văn hóa trên khắp mọi miền đất nước.

Đặc biệt, phân môn Tiếng Việt cho người nước ngoài thuộc Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Duy Tân đóng vai trò như “cầu nối ngôn ngữ” giúp bạn bè quốc tế tiếp cận sâu sắc hơn với văn hóa và đời sống Việt Nam, hỗ trợ quá trình sinh sống, học tập và làm việc tại mảnh đất “nghìn năm văn hiến”.

2. Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo ngành Việt Nam học được xây dựng trên cơ sở tích hợp tinh hoa của các lĩnh vực: Văn hóa, Lịch sử, Kinh tế, Chính trị…, hướng đến cung cấp cho sinh viên hệ thống kiến thức chuyên sâu trong bối cảnh ngành du lịch đang bùng nổ tại Việt Nam.

Một điểm nổi bật của chương trình là chú trọng thực hành – trải nghiệm, thông qua các chuyến điền dã, khảo sát thực địa, học tập gắn liền với thực tiễn. Sinh viên sẽ được học các môn lý thuyết kết hợp với kỹ năng nghề nghiệp như:

  • Phong tục, tín ngưỡng dân tộc,
  • Văn hóa làng, du lịch bản địa,
  • Di sản mỹ thuật Việt Nam và thế giới,
  • Ẩm thực Việt Nam (lý thuyết & thực hành),
  • Nghiệp vụ nhà hàng – khách sạn – hướng dẫn du lịch,
  • Tiếp thị du lịch…

Ngoài ra, chương trình còn trang bị các học phần đại cương mang tính nền tảng như:

  • Triết học phương Đông – phương Tây,
  • Văn hóa tranh luận – phản biện,
  • Tư duy phản biện – kỹ năng sống,
  • Môi trường và xã hội học,
  • Lịch sử văn minh thế giới,
  • Đạo đức nghề nghiệp và các thể chế chính trị,
  • Tầm nhìn chiến lược và khả năng tự quản…

Sinh viên sẽ hoàn thành 132 tín chỉ (chưa tính các học phần Giáo dục thể chất, Quốc phòng và sinh hoạt ngoại khóa) trong 4 năm đào tạo. Bên cạnh đó, chương trình Việt Nam học tài năng tạo điều kiện để sinh viên nâng cao năng lực ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, giao lưu sinh viên quốc tế – đặc biệt trong khối ASEAN, góp phần mở rộng tầm nhìn toàn cầu.

3. Kỹ năng nghề nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Việt Nam học có thể sở hữu những năng lực và kỹ năng thiết yếu sau:

  • Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, kết nối và tạo ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng;
  • Năng lực phân tích, đánh giá các giá trị văn hóa – lịch sử, di sản vật thể và phi vật thể;
  • Khả năng nghiên cứu xã hội học, điều tra điền dã, phát hiện những giá trị tiềm ẩn từ thực tiễn;
  • Nhận thức rõ về đạo đức nghề nghiệp, khả năng lan tỏa, quảng bá văn hóa Việt ra thế giới;
  • Làm việc nhóm hiệu quả, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề và thích ứng linh hoạt với thay đổi;
  • Tư duy học tập suốt đời, tiếp thu và cập nhật tri thức bằng chiến lược học phù hợp.

4. Cơ hội nghề nghiệp

Với kiến thức liên ngành và kỹ năng ứng dụng thực tiễn, sinh viên tốt nghiệp ngành Việt Nam học (chuyên ngành Văn hóa Du lịch) có nhiều lựa chọn nghề nghiệp đa dạng như:

  • Hướng dẫn viên du lịch – Điều hành tour;
  • Thiết kế, tổ chức sự kiện văn hóa – du lịch;
  • Quản lý nhà hàng, khách sạn, resort;
  • Làm việc tại các phòng – ban văn hóa, Hội Văn hóa Dân gian vùng miền;
  • Làm việc tại tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức hợp tác văn hóa;
  • Nghiên cứu viên văn hóa – lịch sử tại các viện, trung tâm nghiên cứu;
  • Giảng dạy, cố vấn tại các cơ sở giáo dục có liên quan đến lĩnh vực văn hóa – xã hội;
  • Tham gia công tác truyền thông, báo chí, xuất bản có yếu tố văn hóa dân tộc.

Thời gian đào tạo: 4 năm

Tổng số tín chỉ: 132