Luật kinh tế
Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng được đẩy mạnh. Xu hướng này đặc biệt nhấn mạnh vai trò của những Cử nhân tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế trong việc thiết lập hành lang pháp lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến các chính sách kinh tế, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, APEC và CPTPP (nguyên là TPP).
Đứng trước làn sóng ấy, nhiều doanh nghiệp đang "khát" một lượng lớn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Luật Kinh tế. Nhận thấy tiềm năng phát triển của ngành Luật Kinh tế khi đóng vai trò là "cánh tay phải" đắc lực trong việc đảm bảo pháp lý và tham mưu chiến lược cho hoạt động phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp, ĐH Duy Tân đã triển khai chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế từ nhiều năm nay nhằm tạo điều kiện học tập cho các thí sinh có niềm đam mê với ngành học này.
Các “Phiên tòa giả định” có sự tham gia của đông đảo sinh viên
Theo học ngành Luật Kinh tế tại ĐH Duy Tân, sinh viên sẽ được lĩnh hội các kiến thức chuyên ngành để:
- Giải quyết các tình huống trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại và quản lý nhà nước về kinh doanh, thương mại;
- Xử lý các vấn đề nảy sinh trong các hoạt động kinh tế như tài chính, thị trường tiền tệ và ngân hàng, thị trường chứng khoán;
- Thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự, hình sự;
- Vận dụng các quy định pháp luật để tham gia, tư vấn, bào chữa cho các bên tranh chấp trong kinh doanh, hay
- Tự hành nghề ở lĩnh vực liên quan đến pháp luật như luật sư, công chứng, tư vấn pháp luật,…
Bên cạnh đó, sinh viên ngành Luật Kinh tế ở ĐH Duy Tân còn được phát triển các kỹ năng "mềm" như: kỹ năng đàm phán, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, …và sử dụng thành thạo ngôn ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh để có thể tự tin khẳng định bản thân trước các thách thức cạnh tranh và hợp tác quốc tế của môi trường doanh nghiệp.
Nhà trường đã xây dựng một chương trình đào tạo chuyên sâu với nhiều đợt hội thảo, nhiều buổi học mô phỏng "Phiên tòa giả định", nhiều chuyến giao lưu tìm hiểu tại các tổ chức dịch vụ pháp luật,… để sinh viên nắm bắt được các công việc thực thụ của một luật sư, làm quen và tạo phản xạ để xử lý tình huống trong các phiên tòa khác nhau.