star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Ra mắt tác phẩm “Thơ tình Bùi Minh Quốc” và tiểu thuyết “Hồi đó ở Sa Kỳ”


Sáng 16/12/2023, tại Đại học Duy Tân chúng ta cùng đến với buổi ra mắt tác phẩm “Thơ tình Bùi Minh Quốc” và tiểu thuyết “Hồi đó ở Sa Kỳ” của nhà thơ Bùi Minh Quốc do trường Ngoại ngữ - Xã Hội Nhân văn (NN-XHNV) phối hợp cùng Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức.

Tham dự chương trình có sự hiện diện của các nhân vật chính, gồm: nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà thơ Thanh Thảo, dịch giả Trần Tố Nga. Về phía đơn vị tổ chức có TS. Hoàng Thị Hường - Phó Hiệu trưởng thường trực trường NN-XHNV trường Đại học Duy Tân và nhà văn Thái Bá Lợi - Giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản (NXB) Hội nhà văn miền Trung và Tây Nguyên. Khách mời đến tham dự có ông Nguyễn Đức Hạt - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương - Nguyên Bí thư Quảng Nam - Đà Nẵng - Phó Trưởng Ban thường trực tổ chức Trung ương, Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Đà Nẵng, Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Đà Nẵng, Nhà thơ Thanh Quế - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng - Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng, Ông Nguyễn Đức Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Thông tin Văn hóa Quảng Nam, Nhà văn Nguyễn Bá Thâm - Nguyễn Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam, Ông Huỳnh Hùng - Nguyên Giám đốc Sở Thể thao Văn hóa Du lịch Đà Nẵng, cùng nhiều nhà văn, nhà thơ, đạo diễn, họa sĩ, nhà báo và cơ quan thông tấn báo chí đến dự. Chương trình còn nhận được sự quan tâm của đông đảo quý thầy cô và các bạn sinh viên trường Đại học Duy Tân.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc quê ở Mỹ Ðức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Trong chiến tranh, ông tham gia lực lượng Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ (khu 5), chiến đấu tại các chiến trường Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 1967 đến 1975 với bút danh là Dương Hương Ly. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ, Tổng Biên tập Tạp chí Ðất Quảng tại Quảng Nam - Ðà Nẵng, người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Ðồng. Nhà thơ Bùi Minh Quốc được biết đến với bài thơ nổi tiếng "Bài thơ về hạnh phúc" mà ông viết về vợ ông, nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, người đã bị lính Đại Hàn bắn chết vào năm 1969. Ngoài ra, ông còn được biết đến với bài thơ tình "Có khi nào", bài thơ được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ 20. 

Tập "Thơ tình Bùi Minh Quốc" với 3 ngôn ngữ: Việt, Anh (dịch giả Vũ Anh Tuấn, Thiếu Khanh) và Pháp (dịch giả Tố Uyên), do tác giả tự chọn, được tinh tuyển từ 3 tập "Ru xa", "Trinh thiêng", "Nâng niu" và những bài sáng tác từ độ tóc xanh (1962) đến năm 2022. Tiểu thuyết “Hồi đó ở Sa Kỳ” mở ra vào một chiều mùa hè 1967 và tạm khép lại vào đêm mở màn của chiến dịch Mậu Thân 1968. Cuốn truyện của một nhà văn, một người lính vừa bước ra khỏi một cuộc chiến tàn khốc với những ký ức và cảm xúc còn gần như nguyên vẹn, đau thương mà hào hùng, về những người dân Sa Kỳ, về Đội thiếu niên Tiền phong mật Sa Kỳ - những Lượng, Tuân, Tư, Bính, những đứa trẻ của xóm Gành, xóm Bãi, xóm Mồ Côi trên vùng đất Quảng Ngãi bất khuất.

Ở phần giao lưu, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà thơ Thanh Thảo, dịch giả Trần Tố Nga đã có những chia sẻ đầy cảm xúc liên quan đến hai tác phẩm “Thơ tình Bùi Minh Quốc” và tiểu thuyết “Hồi đó ở Sa Kỳ”. Được biết toàn bộ tiền bán 2 tác phẩm “Thơ tình Bùi Minh Quốc” sẽ góp vào “Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam”. Là một nhân vật rất đặc biệt, mang trong mình nhiều căn bệnh do hậu quả chất độc da cam/dioxin, dịch giả Trần Tố Nga chia sẻ: "Trong nhiều năm qua, tôi đã đứng lên đòi công lý cho gần 5 triệu nạn nhân dioxin Việt Nam. Khi nhìn một nạn nhận bị nhiễm chất độc da cam, tôi thật sự thấy rất thương xót. Tôi xin cảm ơn nhà thơ Bùi Minh Quốc và các độc giả đã ủng hộ, góp phần mang những điều tốt đẹp đến với cộng đồng"